Sau thời gian chuẩn bị, hệ thống phòng họp trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã đi vào hoạt động. Qua buổi họp đầu tiên, tuy còn những điểm cầu chưa thông suốt nhưng nhìn chung hệ thống đã thể hiện được sự tiện lợi đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Cuộc họp trực tuyến 3 cấp đầu tiên
Cuối tháng 1-2024, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp trực tuyến từ trụ sở UBND tỉnh đến điểm cầu của 8 huyện, thị xã, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đây là cuộc họp trực tuyến 3 cấp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện. Qua đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp nghe các địa phương báo cáo về công tác chuẩn bị, chăm lo Tết cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; công tác giao quân... Tuy cuộc họp chỉ diễn ra trong gần 90 phút nhưng lãnh đạo tỉnh đã cơ bản nắm bắt được tình hình, thông tin cần thiết đến tận các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, những chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng được truyền đạt trực tiếp đến cấp huyện, cấp xã để việc thực hiện được đồng bộ, nhất quán, kịp thời.
Quang cảnh buổi họp giao ban trực tuyến 3 cấp đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 1. (Ảnh chụp từ điểm cầu UBND tỉnh)
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Tuân đánh giá cao việc đưa vào hoạt động hệ thống họp trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí. Ông lưu ý Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương và công ty viễn thông cần kiểm tra để đảm bảo hệ thống họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã được liền mạch, thông suốt nhằm phục vụ tốt công tác họp chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong thời gian tới, nhất là khi xảy ra những tình huống khẩn cấp.
Đảm bảo thông suốt
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, mỗi phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã được bố trí, lắp đặt thiết bị camera, màn hình, hệ thống âm thanh… phải đáp ứng các thông số quy định; bảo đảm các vị trí trong phòng đều có thể phát biểu và nghe rõ âm thanh từ hệ thống họp trực tuyến; nguồn điện áp cho phòng họp trực tuyến ổn định, có nguồn điện dự phòng; tuân thủ công tác phòng, chống cháy, nổ... Số lượng các điểm cầu do Văn phòng UBND tỉnh phụ trách không giới hạn số lượng; các sở, ban, ngành bố trí 1 điểm cầu; UBND cấp huyện không quá 2 điểm cầu; UBND cấp xã 1 điểm cầu. Trong trường hợp cần thiết tăng số lượng điểm cầu theo nhu cầu sử dụng thực tế, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận và chịu hoàn toàn trách nhiệm việc đầu tư tài sản thiết bị đầu cuối bảo đảm đúng mục đích, quy định của pháp luật. Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Huyện Khánh Sơn đã hoàn thành việc bố trí các phòng họp trực tuyến và lắp đặt trang thiết bị cần thiết ở 8 xã, thị trấn và trụ sở UBND huyện. Qua buổi họp giao ban trực tuyến đầu tiên với lãnh đạo UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện những lỗi kỹ thuật đã gặp phải để đảm bảo cho những cuộc họp sau này được thông suốt, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn. Thời gian tới, lãnh đạo huyện cũng sẽ sử dụng hệ thống họp trực tuyến này để họp với lãnh đạo xã, thị trấn trong một số trường hợp cụ thể”.
Theo quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống họp trực tuyến tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai, đôn đốc, giám sát công tác quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống họp trực tuyến tỉnh; chỉ đạo đơn vị vận hành kỹ thuật hệ thống thực hiện các nhiệm vụ, như: Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật các cơ quan, đơn vị khai thác, sử dụng hệ thống; thực hiện các giải pháp bảo vệ an toàn thông tin hệ thống họp trực tuyến tỉnh; tổng hợp, cập nhật danh sách đơn vị quản lý, vận hành phòng họp, cán bộ kỹ thuật vận hành điểm cầu… Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông có phương án bảo đảm chất lượng, an toàn thông tin đối với đường truyền phục vụ họp trực tuyến của tỉnh và thực hiện các quy định trong quy chế.
Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 22-2, lãnh đạo sở đã có cuộc họp với lãnh đạo VNPT Khánh Hòa và thống nhất thuê dịch vụ vận hành hệ thống họp trực tuyến của VNPT. Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) phối hợp với VNPT Khánh Hòa xây dựng các kịch bản họp trực tuyến, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, đưa ra các tình huống và có phương án xử lý; nghiên cứu phương án dự phòng cho thiết bị trung tâm điều khiển họp trực tuyến (MCU) tỉnh khi có sự cố. VNPT Khánh Hòa nghiên cứu phương án dự phòng cho trường hợp MCU tỉnh hoặc MCU huyện khi có sự cố. Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh và VNPT Khánh Hòa thống nhất cử mỗi bên một lãnh đạo phụ trách vận hành hệ thống họp trực tuyến tỉnh…
Hệ thống họp trực tuyến tỉnh là hệ thống do tỉnh đầu tư và được nâng cấp, hoàn thiện thông qua các dự án, nhiệm vụ đầu tư, mua sắm để phục vụ họp trực tuyến toàn tỉnh. Hệ thống họp trực tuyến tỉnh được triển khai tập trung đến 3 cấp chính quyền, gồm các điểm cầu: UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có điểm cầu tại các cơ quan, đơn vị khác tham gia họp trực tuyến theo yêu cầu của từng phiên họp.
Theo baokhanhhoa.vn
Xem bản tin gốc của báo Khánh Hòa tại đây