Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thị xã Ninh Hòa đang dần phủ kín quy hoạch, cơ sở hạ tầng được Trung ương và địa phương bố trí vốn đầu tư đồng bộ để thị xã phát triển theo định hướng đô thị công nghiệp.
Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang triển khai qua thị xã Ninh Hòa.
Sẽ phủ kín quy hoạch, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng
1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong Chương trình hành động của Chính phủ, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09 tạo tiền đề cho sự phát triển của thị xã Ninh Hòa đó là phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tháng 8-2023, UBND tỉnh có Quyết định số 1871 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040. Phạm vi quy hoạch là toàn bộ thị xã với 110.795ha, bao gồm 7 phường và 20 xã. Theo đó, đến năm 2030, dân số toàn thị xã khoảng 330.000 - 335.000 người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 5.500ha - 6.000ha, bình quân 170 - 180m2/người. Đến năm 2040, dân số toàn thị xã khoảng 440.000 - 450.000 người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 8.000 - 8.500ha, bình quân khoảng 170 - 180m2/người; mỗi xã, phường đều có trạm y tế, trường học… Hiện nay, UBND thị xã thực hiện nhiệm vụ lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040 theo trình tự, thủ tục quy định.
Một góc thị xã Ninh Hòa từ trên cao.
Sau nhiều năm, quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn 20 xã của thị xã Ninh Hòa được phê duyệt năm 2012 đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới. Do đó, UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040 theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quy hoạch được phủ kín trên toàn bộ địa bàn thị xã.
Để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hướng đến xây dựng thị xã Ninh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại III, ngày 25-4-2023, UBND thị xã đã có Tờ trình số 1507 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xem xét hỗ trợ vốn đầu tư các dự án thiết yếu (cơ sở hạ tầng các xã, phường trên địa bàn thị xã; một số tuyến đường liên xã, liên phường; cầu dân sinh bắc qua sông kết nối giữa các phường, xã; hệ thống điện chiếu sáng công cộng nội thị và các trục đường liên xã); đồng thời bổ sung danh mục dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh để thị xã có đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Thị xã cũng xác định rõ mục tiêu và đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị loại III; tập trung đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nông thôn, nâng cấp 3 xã: Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Phụng đạt tiêu chí đô thị loại V; phấn đấu có 7 xã đủ điều kiện thành lập đơn vị hành chính phường, hướng đến định hướng xây dựng thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp.
Cơ hội “vàng” trong giai đoạn phát triển mới
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 2 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm của quốc gia là Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang (thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam) đi qua địa bàn 8 xã của thị xã, với tổng chiều dài gần 29km và Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đi qua địa bàn 8 xã, phường với tổng chiều dài 32km, có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong và điểm cuối giáp tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, tiến độ bàn giao mặt bằng được UBND thị xã Ninh Hòa thực hiện để triển khai Dự án thành phần đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã đạt 98%; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã bàn giao mặt bằng (đợt 1) đạt 73,8%. Khi các dự án đường bộ cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, giao thương, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản, xúc tiến đầu tư, thương mại các sản phẩm của thị xã...
Khu vực phía nam Vân Phong có Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đang hoạt động.
Một thuận lợi rất lớn nữa đó là hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 900 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động, trong đó có một số doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, chế biến... Qua đó, có những đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, góp phần xây dựng thị xã ngày càng phát triển. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã được 18.213 tỷ đồng, vượt 1,6% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2022.
Theo bà Hải, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Do đó, thị xã sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội…
Năm 2024, thị xã Ninh Hòa đặt chỉ tiêu về kinh tế - xã hội: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13%; sản xuất ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3% so với năm 2023; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 24.717 tấn; số lao động có việc làm tăng thêm trong năm 2024 là 2.200 người; số hộ nghèo trong năm 2024 giảm 90 hộ; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 84%. Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ độ che phủ rừng 43,89%; dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%; dân cư đô thị sử dụng nước sạch 98%.
Theo baokhanhhoa.vn